Đồng rouble tăng giá mạnh: Lợi bất cập hại đối với kinh tế Nga

Huyền Trần
Junior Analyst
Đồng rouble Nga tăng 45% từ đầu năm nhờ chính sách tiền tệ thắt chặt và sự chuyển dịch sang giao dịch bằng nhân dân tệ. Tuy nhiên, đà tăng này gây áp lực lên ngân sách và xuất khẩu, trong khi Ngân hàng Trung ương ưu tiên ổn định và chống lạm phát. Những diễn biến địa chính trị sắp tới có thể ảnh hưởng đến xu hướng của đồng tiền này.

Kể từ đầu năm, đồng rouble của Nga đã tăng khoảng 45% so với đồng USD, trở thành một trong những đồng tiền có hiệu suất tốt nhất toàn cầu. Tuy nhiên, đằng sau sự tăng giá ấn tượng này là những hệ quả phức tạp đối với nền kinh tế Nga, vốn đang chịu nhiều áp lực từ các lệnh trừng phạt quốc tế.
Tác động hai chiều từ sức mạnh đồng rouble
Đồng rouble mạnh đồng nghĩa với việc doanh thu năng lượng tính bằng USD khi chuyển đổi sang rouble cho ngân sách Nga sẽ giảm. Đồng thời, hàng hóa xuất khẩu của Nga cũng trở nên đắt đỏ hơn với các đối tác thương mại sử dụng đô la hoặc các loại tiền tệ khác, gây bất lợi cho khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tuy vậy, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, bà Elvira Nabiullina, cho rằng một đồng tiền yếu hơn sẽ phản ánh sự tổn thương kinh tế. Bà khẳng định tỷ giá hối đoái không nên chỉ phục vụ lợi ích của doanh nghiệp xuất khẩu và cho rằng sự mạnh lên của đồng rouble là kết quả từ chính sách tiền tệ thắt chặt – điều cần thiết để kiểm soát lạm phát cao kéo dài.
Vì sao đồng rouble tăng mạnh so với USD?
Một loạt yếu tố đã góp phần đẩy giá trị đồng rouble lên khoảng 45% kể từ đầu năm. Trong đó có chính sách lãi suất cao từ ngân hàng trung ương và tâm lý lạc quan sau các cuộc đàm phán Mỹ-Nga hồi tháng 2, làm dấy lên hy vọng về một thỏa thuận hòa bình tại Ukraine.
Mức lãi suất gửi tiết kiệm bằng rouble tăng vọt lên hơn 20%, khiến đồng tiền này hấp dẫn đối với người dân trong nước và cả các nhà đầu cơ tìm kiếm lợi suất cao. Đồng thời, chi phí vay tăng cũng khiến hoạt động nhập khẩu giảm, từ đó làm giảm cầu đối với ngoại tệ.
Yếu tố khác là sự suy yếu của đồng USD – đã giảm 6.6% kể từ khi Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế quan "Ngày Giải phóng" vào ngày 2/4. Ngoài ra, mặc dù theo nguyên tắc tỷ giá thả nổi, Ngân hàng Trung ương Nga vẫn can thiệp bằng cách bán đồng nhân dân tệ để hỗ trợ đồng rouble, từ đó kéo tỷ giá USD/RUP đi lên.
Một đồng rouble mạnh giúp kiềm chế lạm phát vì làm cho hàng nhập khẩu rẻ hơn. Đại diện ngân hàng VTB cho rằng đây là một phần của chiến lược điều hành tỷ giá có chủ đích. Hơn nữa, chính phủ Nga vẫn duy trì một số biện pháp kiểm soát vốn nhằm ngăn chặn dòng tiền chảy ra nước ngoài và các nhà xuất khẩu hiện chuyển về nhiều ngoại tệ hơn mức yêu cầu.
Cách giao dịch đồng rouble thay đổi ra sao?
Sau khi Sàn Giao dịch Chứng khoán Moscow (MOEX) bị trừng phạt vào năm 2024, đồng rouble không còn được giao dịch trực tiếp với đô la và euro trên sàn này mà được thực hiện qua thị trường OTC (over-the-counter). Các ngân hàng thương mại báo giá với ngân hàng trung ương để thiết lập tỷ giá chính thức.
Do chỉ có ngân hàng trung ương thấy được toàn bộ dữ liệu giao dịch nên thị trường thiếu tính minh bạch. Một số ngân hàng nhỏ ngoài Nga cung cấp báo giá cho các nhà cung cấp dữ liệu thị trường.
Trong khi đó, đồng rouble vẫn được giao dịch với nhân dân tệ tại MOEX, cùng với các hợp đồng tương lai USD/RUP – đây là những công cụ phản ánh phần nào kỳ vọng thị trường. Nga không có thị trường chợ đen về ngoại tệ.
Dù không còn là một đồng tiền giao dịch quốc tế lớn, Nga vẫn là một trong những quốc gia xuất khẩu hàng đầu về dầu mỏ và nông sản. Động thái của Moscow chuyển hướng giao dịch sang các đồng tiền không thuộc phương Tây, đặc biệt là nhân dân tệ, có thể tác động tới vai trò thống trị toàn cầu của đồng USD trong tương lai. Các nền kinh tế đang phát triển lớn như Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang theo dõi sát sao xu hướng này.
Tại sao giao dịch rouble - nhân dân tệ lại chiếm ưu thế?
Hiện nay, nhân dân tệ đã vượt qua đô la, trở thành đồng tiền nước ngoài được giao dịch nhiều nhất tại Nga. Trong năm 2024, 95% thương mại giữa Nga và Trung Quốc được thanh toán bằng nhân dân tệ và rouble.
Khối lượng giao dịch cặp nhân dân tệ-rouble trên MOEX đạt 33 nghìn tỷ rouble (tương đương 420 tỷ USD) trong năm ngoái, trong khi tổng kim ngạch thương mại Nga-Trung đạt mức kỷ lục 245 tỷ USD. Đồng rouble đã tăng khoảng 25% so với nhân dân tệ trong năm nay.
Các công ty năng lượng Nga nhận doanh thu bằng nhân dân tệ và đưa số tiền đó về nước, trong khi các nhà nhập khẩu cũng sử dụng nhân dân tệ để thanh toán. Vì thế, giới phân tích tài chính giờ đây chú ý nhiều hơn đến tỷ giá rouble/nhân dân tệ thay vì tỷ giá với đô la Mỹ.
Lập trường của chính phủ Nga ra sao?
Chính phủ Nga đang muốn đồng rouble yếu đi để tăng doanh thu cho ngân sách. Dự toán ngân sách năm 2025 dựa trên tỷ giá uSD/RUP trung bình là 94.3 trong khi tỷ giá thực tế hiện chỉ khoảng 78.
Nếu đồng rouble vẫn duy trì ở mức cao như hiện nay, các nhà phân tích từ VTB ước tính ngân sách có thể thất thu tới 2.4% trong năm nay.
Các nhà xuất khẩu – từ ngành dầu mỏ, kim loại cho tới nông nghiệp – đều chịu thiệt hại vì doanh thu bị giảm do tỷ giá bất lợi. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và quan chức chính phủ bày tỏ mong muốn đưa tỷ giá USD/RUP về mức khoảng 100.
Tổng thống Vladimir Putin chưa đưa ra phát biểu công khai nào về vấn đề tỷ giá trong thời gian gần đây.
Cái nhìn của người dân Nga về đồng rouble
Đối với người dân, đồng USD vẫn được coi là chuẩn mực. Tuy nhiên, việc sử dụng nhân dân tệ đang tăng lên. Đô la và euro tiền mặt vẫn có thể tìm mua tại một số ngân hàng, nhưng số lượng điểm đổi ngoại tệ đã giảm nhiều so với trước đây.
Các lệnh trừng phạt đã khiến việc đi lại và giao dịch bằng ngoại tệ trở nên khó khăn hơn, từ đó làm giảm nhu cầu sử dụng tiền mặt USD. Trong quý đầu năm 2025, người dân Nga đã mua khoảng 200 tỷ RUP ngoại tệ, không thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, mức lãi suất cao của đồng rouble đã khiến việc nắm giữ ngoại tệ trở nên kém hấp dẫn hơn.
Triển vọng nào đang chờ đợi đồng rouble?
Nhiều chuyên gia đã cảnh báo rằng đồng rouble đang bị định giá quá cao, nhưng trên thực tế đồng tiền này vẫn vượt qua các dự báo cho tới nay.
Ngân hàng trung ương được cho là sẽ sớm cắt giảm lãi suất. Nếu điều này xảy ra, lãi suất trên thị trường cũng sẽ giảm, khiến tiền gửi bằng rouble trở nên kém hấp dẫn, từ đó làm giảm nhu cầu nắm giữ đồng nội tệ.
Một rủi ro lớn đang đến gần vào đầu tháng 9, khi kết thúc thời hạn 50 ngày do Tổng thống Trump đặt ra để Nga chứng minh nỗ lực đạt được hòa bình tại Ukraine. Nếu Mỹ áp thêm trừng phạt, đặc biệt nhắm vào các khách hàng mua dầu từ Nga, đồng rouble có thể chịu áp lực mất giá.
Lần gần nhất đồng rouble giảm mạnh là vào tháng 11/2024, sau khi Mỹ áp lệnh trừng phạt đối với Gazprombank – ngân hàng xử lý các khoản thanh toán liên quan đến dầu khí.
Một nguồn tin thân cận tiết lộ với Reuters rằng khi ngân hàng trung ương từng giảm lãi suất từ 17% xuống 11% trong giai đoạn tháng 2 đến tháng 7/2015, đồng rouble đã mất vài tháng mới bắt đầu suy yếu. Đây cũng chính là kịch bản mà cơ quan này đang kỳ vọng lần này.
Reuters