Đồng USD chiếm ưu thế nhờ lợi suất tăng mạnh

Đồng USD chiếm ưu thế nhờ lợi suất tăng mạnh

08:37 30/12/2024

Đồng Yên giao dịch quanh mức thấp nhất trong năm tháng vào thứ Hai so với đồng USD, vốn được hỗ trợ bởi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao. Thanh khoản “mỏng” dịp cuối năm khiến hầu hết các đồng tiền đi ngang trong biên độ hẹp.

USD/JPY đang ở mức 157.71, với rủi ro can thiệp từ phía Nhật Bản là yếu tố chính ngăn cản việc kiểm tra lại ngưỡng 160 – mức đã xuất hiện lần cuối vào tháng 7.

Chỉ số DXY giữ ổn định ở mức 107.98.

Trong khi đó, tỷ giá EUR/USD đang ở mức 1.0429, không xa mức đáy gần đây và đi ngang trong trạng thái chờ đợi trong các phiên giao dịch nghỉ lễ. Đồng tiền này tính đến nay đã giảm khoảng 5.5% so với USD trong năm tài chính hiện tại.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cao tiếp tục tạo lực đẩy cho đồng USD, khi kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất trong hơn bảy tháng vào tuần trước. Đến thứ Hai, lợi suất vẫn duy trì gần mức đỉnh, tức mức 4.625%.

"Dù hầu hết các dự báo đều cho rằng đồng USD sẽ suy yếu trong năm 2024, nhưng hiện tại, đồng bạc xanh dường như sẽ khép lại năm nay với mức tăng so với tất cả các đồng tiền chính, giữ vững vị thế vượt trội," theo nhận định từ ông Chris Weston, trưởng bộ phận nghiên cứu tại công ty môi giới trực tuyến Pepperstone của Úc.

Chỉ số DXY đã tăng 2.3% trong tháng này, nâng tổng mức tăng từ đầu năm lên 6.6%.

Đồng USD đã tăng giá ba tháng liên tiếp, nhờ kỳ vọng các chính sách của Tổng thống Trump như nới lỏng quy định, giảm thuế, tăng thuế quan và thắt chặt nhập cư sẽ thúc đẩy tăng trưởng, đẩy lạm phát lên cao và giữ lợi suất trái phiếu Mỹ ở mức ổn định.

Tỷ giá USD/JPY đã tăng 1000 pip kể từ ngày 3/12, phần lớn mức tăng này xảy ra sau tuyên bố ngày 18/12 của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) về sự thận trọng trong các đợt cắt giảm lãi suất sắp tới.

Quan điểm này đã tác động mạnh đến đồng tiền Nhật, đẩy nó xuống mức yếu nhất kể từ ngày 17/7 vào tuần trước, ở mức 158.09 USD/JPY, và khiến đồng tiền này mất giá 10.6% từ đầu năm đến nay.

Tuy nhiên, đồng Yên đã phục hồi từ mức thấp đó vào thứ Sáu, sau khi một bản tóm tắt ý kiến từ cuộc họp chính sách tháng 12 của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cho thấy một số nhà hoạch định chính sách bắt đầu tự tin hơn về khả năng tăng lãi suất sắp tới. Đồng thời, BoJ cũng đã cắt giảm chương trình mua trái phiếu hàng tháng của mình.

Lợi suất trái phiếu Nhật Bản vẫn ở mức thấp đáng kể, và những nhận định gần đây đã làm dấy lên nghi ngờ về cam kết của BoJ trong việc nâng lãi suất. Trong cuộc họp tháng này, BoJ vẫn quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 0.25%, trong khi Thống đốc Kazuo Ueda cho biết ngân hàng đang cân nhắc thêm dữ liệu về xu hướng tăng lương trong năm tới và các chính sách kinh tế từ chính quyền mới của Mỹ.

Theo một khảo sát của Reuters thực hiện đầu tháng này, BoJ có thể tăng lãi suất lên 0.50% vào cuối tháng 3, nhưng thị trường lãi suất hiện chỉ định giá khả năng tăng lãi suất trong tháng 1 ở mức 42%.

Chris Weston từ Pepperstone nhận định rằng các nhà đầu tư mua USD tiếp tục thống trị giao dịch cặp tiền USD/JPY.

Các nhà giao dịch vẫn theo dõi sát sao khả năng các quan chức Nhật Bản can thiệp để hỗ trợ đồng yên nếu nó tiếp tục suy yếu, như họ đã thực hiện nhiều lần trong năm nay.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, ông Katsunobu Kato, hôm thứ Sáu đã nhắc lại lo ngại về sự trượt giá của đồng yên và cảnh báo sẽ hành động nếu xảy ra biến động quá mức.

“Thường thì không dễ để tham gia thị trường khi giá chạm đỉnh mới, nhưng theo tôi, bất kỳ sự bứt phá nào vượt qua mức 158.00 đều đáng để khai thác cơ hội. Tuy nhiên, những người bán khống đồng Yên cũng cần lưu ý rủi ro ngày càng tăng về khả năng BoJ can thiệp và các tuyên bố đáng tin cậy từ Bộ Tài chính," Weston viết trong một ghi chú gửi khách hàng.

Ngoài đồng Yên, biến động tiền tệ tại các thị trường lớn tuần trước khá khiêm tốn. Đồng Yên giảm 0.9%, euro giảm 0.2% và bảng Anh tăng 0.1%, trong khi chỉ số DXY tăng 0,2%.

Thành viên Hội đồng Quản trị ECB, ông Robert Holzmann, hôm thứ Bảy cho biết đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể sẽ bị trì hoãn sau khi lạm phát tăng trở lại gần đây.

Trong khi đó, Bitcoin đang giao dịch quanh mức 93,350 BTC/USD, giảm khoảng 4% trong tháng sau khi rút khỏi mức cao kỷ lục 108,379.28 BTC/USD đạt được vào ngày 17/12. Tuy nhiên, tính từ đầu năm, giá Bitcoin đã tăng 115%, từ mức khoảng 43,400 BTC/USD hồi đầu năm.

(Sự can thiệp của Nhật Bản vào thị trường ngoại hối để hỗ trợ đồng Yên)

Reuters

Broker listing

Cùng chuyên mục

USD tiếp tục đà tăng nhờ dữ liệu kinh tế khả quan làm giảm kỳ vọng nới lỏng của Fed

USD tiếp tục đà tăng nhờ dữ liệu kinh tế khả quan làm giảm kỳ vọng nới lỏng của Fed

USD tăng tuần thứ hai liên tiếp nhờ dữ liệu kinh tế Mỹ mạnh, củng cố khả năng Fed trì hoãn hạ lãi suất. Đồng Yên giảm trước bầu cử Thượng viện Nhật Bản, gây lo ngại bất ổn chính trị và ảnh hưởng đàm phán thương mại với Mỹ. Bitcoin giữ quanh 120,000 USD sau đỉnh kỷ lục. Các đồng tiền lớn khác biến động nhẹ, thể hiện tâm lý thận trọng của nhà đầu tư.
Nhà đầu tư nước ngoài đổ bộ vào trái phiếu chính phủ Mỹ, nắm giữ vượt 9 nghìn tỷ USD giữa sóng gió thuế quan

Nhà đầu tư nước ngoài đổ bộ vào trái phiếu chính phủ Mỹ, nắm giữ vượt 9 nghìn tỷ USD giữa sóng gió thuế quan

Lượng trái phiếu chính phủ Mỹ do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tiếp tục tăng, vượt ngưỡng 9 nghìn tỷ USD trong tháng 5, bất chấp biến động từ chính sách thuế quan. Dòng vốn rút lui trong tháng 4 đã nhanh chóng đảo chiều khi các nhà đầu tư toàn cầu, đặc biệt Nhật Bản và Anh, gia tăng mua vào mạnh mẽ. Trong khi Trung Quốc liên tục giảm nắm giữ do áp lực nội tại, dòng vốn chảy vào thị trường chứng khoán và trái phiếu Mỹ đạt mức cao kỷ lục, cho thấy sức hút bền vững của tài sản an toàn hàng đầu thế giới.
Cổ phiếu châu Á tăng nhờ dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan, đồng yen suy yếu trước thềm bầu cử Nhật Bản

Cổ phiếu châu Á tăng nhờ dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan, đồng yen suy yếu trước thềm bầu cử Nhật Bản

Cổ phiếu châu Á đồng loạt tăng trong phiên cuối tuần, được hỗ trợ bởi số liệu kinh tế Mỹ tích cực và kết quả kinh doanh ổn định, mặc dù vẫn tồn tại những lo ngại về thuế quan. Đồng yen giảm giá trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản, tạo sức ép lên thị trường trong nước. Đồng USD có dấu hiệu hồi phục nhẹ, trong khi lợi suất trái phiếu chính hủvà giá dầu duy trì ổn định, giữa bối cảnh rủi ro địa chính trị vẫn hiện hữu.
Doanh nghiệp Mỹ sử dụng quyền chọn euro để phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá

Doanh nghiệp Mỹ sử dụng quyền chọn euro để phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá

Một số công ty Mỹ đang tận dụng các quyền chọn bán euro nhằm bảo vệ doanh thu dự kiến từ châu Âu trước nguy cơ biến động tỷ giá, khi đồng euro có xu hướng tăng giá so với đồng USD. Trong bối cảnh thị trường Mỹ duy trì đà tăng và chính sách thuế nhập khẩu được hoãn lại, nhà đầu tư giảm kỳ vọng về việc đồng đô la tiếp tục suy yếu, khiến các doanh nghiệp áp dụng các công cụ phái sinh như quyền chọn và collars để hạn chế rủi ro tài chính và duy trì ổn định dòng tiền.
Lạm phát lõi của Nhật Bản chững lại nhưng vẫn vượt mục tiêu, thúc đẩy kỳ vọng BoJ sẽ tiếp tục tăng lãi suất

Lạm phát lõi của Nhật Bản chững lại nhưng vẫn vượt mục tiêu, thúc đẩy kỳ vọng BoJ sẽ tiếp tục tăng lãi suất

Lạm phát lõi của Nhật Bản trong tháng 6 giảm tốc so với tháng trước nhưng vẫn duy trì trên mức mục tiêu 2% trong hơn ba năm, phản ánh áp lực giá cả kéo dài. Trước bối cảnh kinh tế gặp nhiều rủi ro và căng thẳng thương mại, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ cân nhắc kỹ lưỡng các dữ liệu này khi quyết định chính sách lãi suất tại cuộc họp tháng 7.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ