Lãi suất quá cao: Liệu BoE có đang bóp nghẹt tăng trưởng?

Lãi suất quá cao: Liệu BoE có đang bóp nghẹt tăng trưởng?

Trà Giang

Trà Giang

Junior Editor

11:34 12/02/2025

Lãi suất tại Anh vẫn đang ở mức quá cao so với thực trạng kinh tế trì trệ, đè nặng lên doanh nghiệp và người tiêu dùng. Dù BoE đã bắt đầu cắt giảm, câu hỏi đặt ra là: liệu họ có đang quá thận trọng? Và quan trọng hơn, chính sách tiền tệ có thể cứu vãn nền kinh tế hay trách nhiệm thực sự thuộc về chính phủ?

Quyết định cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản của BoE vào tuần trước không phải một cú sốc, nhưng vẫn khiến giới quan sát bất ngờ. Nguyên nhân nằm ở sự thay đổi lập trường đột ngột của Catherine Mann – người trước đây được coi là có quan điểm “hawkish” nhất trong Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC). Từ kêu gọi giữ nguyên lãi suất, bà bất ngờ chuyển sang ủng hộ một đợt cắt giảm mạnh tay 50 điểm cơ bản. Trong cuộc phỏng vấn với Financial Times, Mann cho rằng triển vọng kinh tế Anh đã suy yếu đáng kể, buộc BoE phải hành động quyết liệt hơn. Nhìn vào các số liệu hiện tại, bà không phải không có lý.

Mức lãi suất cơ bản 4.5% hiện cao hơn đáng kể so với mức trung lập – điểm cân bằng mà chính sách tiền tệ không tác động tích cực hay tiêu cực đến nền kinh tế. Trong khi đó, lạm phát đã giảm xuống 2.5%, gần với mức mục tiêu, và nền kinh tế Anh vẫn đang “dậm chân tại chỗ”. Khi tổng cầu suy yếu, áp lực lạm phát cũng theo đó mà giảm, làm dấy lên câu hỏi: phải chăng chính sách tiền tệ hiện tại đang quá chặt chẽ, bóp nghẹt tăng trưởng?

Kinh tế suy yếu, thị trường lao động co hẹp

Các dữ liệu sắp được Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) công bố vào thứ Năm dự kiến sẽ cho thấy nền kinh tế Anh gần như không tăng trưởng trong nửa cuối năm 2024. Từ khi Công đảng lên nắm quyền vào mùa hè năm ngoái, niềm tin của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều đi xuống. Một phần nguyên nhân đến từ quyết định của Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves khi tăng mức đóng góp bảo hiểm quốc gia (NICs) đối với doanh nghiệp trong Ngân sách mùa Thu, đẩy chi phí lao động lên cao, kéo theo làn sóng cắt giảm tuyển dụng.

Khảo sát của các nhà tuyển dụng công bố hôm thứ Hai cho thấy thị trường lao động Anh đang trong tình trạng tồi tệ nhất kể từ đại dịch COVID-19. Các doanh nghiệp đối mặt với chi phí đầu vào gia tăng nhưng lại không thể dễ dàng kết chuyển sang người tiêu dùng trong bối cảnh nhu cầu yếu.. Điều này có thể giúp kìm hãm lạm phát trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, nó cũng là dấu hiệu đáng lo ngại cho tăng trưởng kinh tế.

BoE có đang quá thận trọng?

Những yếu tố trên cho thấy chính sách tiền tệ hiện tại có thể đang thắt chặt quá mức. Thị trường tài chính đang đặt cược vào ít nhất ba lần cắt giảm 25 điểm cơ bản nữa trước khi năm 2025 kết thúc. Nhưng với tốc độ tăng trưởng yếu ớt hiện nay, có lý do để tin rằng BoE cần hành động nhanh hơn. Đặc biệt, khi phần lớn các khoản vay thế chấp tại Anh có lãi suất cố định, việc cắt giảm lãi suất sẽ mất thời gian để thực sự cải thiện dòng tiền của các hộ gia đình.

Dẫu vậy, vẫn còn nhiều rủi ro. Dự báo mới nhất của BoE cho thấy lạm phát có thể tăng tạm thời trong những tháng tới. Một số cú sốc giá – bao gồm giá năng lượng cao hơn và tác động của việc tăng NICs từ tháng Tư – có thể đẩy lạm phát lên 3.7% vào cuối năm nay. Trên lý thuyết, các ngân hàng trung ương thường bỏ qua những cú sốc tạm thời, nhưng Anh đã sống chung với lạm phát cao quá lâu. Nếu các doanh nghiệp phản ứng bằng cách tiếp tục tăng giá bán lẻ, nền kinh tế có thể rơi vào tình trạng đình lạm – lạm phát cao đi kèm với tăng trưởng yếu.

Bất ổn kinh tế hiện cũng đang ở mức đáng báo động. Không ai có thể chắc chắn những căng thẳng thương mại toàn cầu sẽ tác động đến Anh ra sao. Thậm chí, dữ liệu thị trường lao động từ ONS cũng đang mất độ tin cậy do tỷ lệ phản hồi khảo sát giảm sút. Những yếu tố này khiến BoE gặp khó khăn trong việc xác định liệu nền kinh tế đang chững lại do cầu giảm hay do nguồn cung bị gián đoạn.

Với những rủi ro đó, chiến lược hợp lý hơn là tiến hành các đợt cắt giảm từng bước 25 điểm cơ bản, và chỉ đẩy nhanh tốc độ nếu lạm phát tăng thực sự chỉ là nhất thời. Chính sách tiền tệ luôn là bài toán cân bằng rủi ro, và dù việc giảm lãi suất nhanh hơn có vẻ hấp dẫn, cách tiếp cận thận trọng sẽ giúp BoE giữ được sự linh hoạt cần thiết. Catherine Mann có thể đúng về chẩn đoán, nhưng một cú cắt giảm mạnh 50 điểm cơ bản vào lúc này vẫn là quá sớm.

Trọng trách vẫn thuộc về chính phủ

Dù việc cắt giảm lãi suất có thể tạm thời hỗ trợ nền kinh tế Anh thoát khỏi trạng thái trì trệ và giúp chính phủ giảm bớt chi phí vay, nhưng đó không phải là giải pháp cho những vấn đề cốt lõi đang kìm hãm tăng trưởng. Chính sách tiền tệ chỉ có thể xoa dịu phần nào các triệu chứng, chứ không thể chữa lành những căn bệnh sâu xa của nền kinh tế. Trọng trách khôi phục sức sống dài hạn không nằm ở BoE, mà thuộc về chính phủ – nơi có thể định hướng chính sách tài khóa, cải cách cơ cấu và thúc đẩy động lực tăng trưởng thực sự.

Vấn đề của nước Anh không đơn giản chỉ là lãi suất cao. Gốc rễ sâu xa hơn nằm ở tăng trưởng kinh tế èo uột, năng suất lao động thấp và niềm tin kinh doanh đang dần suy giảm. Các doanh nghiệp đang đối mặt với chi phí vận hành ngày càng lớn, nhưng triển vọng lợi nhuận lại không rõ ràng, khiến họ ngần ngại mở rộng đầu tư và tuyển dụng. Trong khi đó, thị trường lao động đình trệ và thu nhập thực tế không có dấu hiệu cải thiện khiến tiêu dùng cũng bị bóp nghẹt. Nếu Thủ tướng Keir Starmer và Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves không đưa ra một chiến lược tài khóa hợp lý, cân bằng giữa kích thích kinh tế và duy trì kỷ luật tài chính, thì mọi động thái từ BoE cũng chỉ giống như một liều thuốc giảm đau nhất thời – giúp xoa dịu tình trạng hiện tại nhưng không thể giải quyết căn nguyên.

Giới đầu tư và doanh nghiệp không chỉ cần những biện pháp kích thích ngắn hạn, mà quan trọng hơn, họ cần một tầm nhìn kinh tế dài hạn, một lộ trình rõ ràng để khôi phục đà tăng trưởng bền vững. Những vấn đề như cải cách thị trường lao động, nâng cao năng suất, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và đổi mới công nghệ cần được đặt lên bàn nghị sự một cách nghiêm túc. Nếu không có các bước đi quyết liệt và có tính chiến lược từ chính phủ, ngay cả khi BoE mạnh tay cắt giảm lãi suất, nền kinh tế Anh vẫn có nguy cơ mắc kẹt trong vòng xoáy tăng trưởng thấp, thu nhập đình trệ và bất ổn tài chính kéo dài – một viễn cảnh đầy rủi ro mà chính phủ Starmer chắc chắn không muốn đối mặt.

Financial Times

Broker listing

Cùng chuyên mục

Tâm lý nhà sản xuất Nhật Bản cải thiện trong tháng 7 bất chấp lo ngại về thuế quan

Tâm lý nhà sản xuất Nhật Bản cải thiện trong tháng 7 bất chấp lo ngại về thuế quan

Tâm lý kinh doanh của các nhà sản xuất Nhật Bản đã cải thiện nhẹ trong tháng 7, được thúc đẩy bởi dấu hiệu phục hồi trong ngành bán dẫn. Tuy nhiên, những lo ngại về thuế quan từ Mỹ và xuất khẩu sụt giảm vẫn gây áp lực lên các lĩnh vực chủ chốt như ô tô. Trong khi đó, ngành dịch vụ cho thấy sự phân hóa rõ rệt, phản ánh môi trường kinh tế còn nhiều bất định.
Trump liên tục gây sức ép buộc Chủ tịch Fed từ chức, thị trường lo ngại về tính độc lập và rủi ro lạm phát

Trump liên tục gây sức ép buộc Chủ tịch Fed từ chức, thị trường lo ngại về tính độc lập và rủi ro lạm phát

Tổng thống Trump gia tăng chỉ trích và kêu gọi Chủ tịch Fed Jerome Powell từ chức, làm dấy lên lo ngại về khả năng can thiệp chính trị vào chính sách tiền tệ. Nhà đầu tư phản ứng bằng cách điều chỉnh danh mục, khiến lợi suất trái phiếu dài hạn tăng do kỳ vọng lạm phát và rủi ro mất niềm tin vào Fed.
Phố Wall tăng nhẹ trước tuần dữ liệu kinh tế dày đặc và căng thẳng thuế quan leo thang

Phố Wall tăng nhẹ trước tuần dữ liệu kinh tế dày đặc và căng thẳng thuế quan leo thang

Chứng khoán Mỹ khép phiên đầu tuần với mức tăng nhẹ khi nhà đầu tư giữ tâm lý chờ đợi trước loạt dữ liệu kinh tế và mùa báo cáo lợi nhuận quý II. Bất chấp tuyên bố áp thuế 30% từ Tổng thống Trump với EU và Mexico, phản ứng thị trường khá dè dặt do nhà đầu tư đã quen với các động thái tương tự. Nasdaq tiếp tục lập đỉnh mới, trong khi giá dầu tăng do lo ngại nguồn cung, nhưng cổ phiếu năng lượng lại giảm mạnh. Sắp tới, các báo cáo về lạm phát, chi phí sản xuất và lợi nhuận doanh nghiệp sẽ là tâm điểm theo dõi.
Nhật Bản: Thị trường trái phiếu chịu áp lực trước bầu cử Thượng viện, lợi suất tăng vọt giữa lo ngại tài khóa

Nhật Bản: Thị trường trái phiếu chịu áp lực trước bầu cử Thượng viện, lợi suất tăng vọt giữa lo ngại tài khóa

Thị trường trái phiếu chính phủ Nhật Bản đang biến động mạnh trước cuộc bầu cử Thượng viện sắp tới, với lợi suất dài hạn tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Nhà đầu tư lo ngại về khả năng thay đổi chính trị và các cam kết chi tiêu tài khóa mới nếu đảng đối lập giành thêm ảnh hưởng. Trong khi đó, Thủ tướng Ishiba đối mặt với mức tín nhiệm suy giảm, khiến mục tiêu duy trì đa số trở nên khó khăn. Diễn biến lãi suất phản ánh lo ngại về kỷ luật ngân sách trong bối cảnh nợ công Nhật Bản đang ở mức cao nhất thế giới.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ