Nhật Bản: Thị trường trái phiếu chịu áp lực trước bầu cử Thượng viện, lợi suất tăng vọt giữa lo ngại tài khóa

Huyền Trần
Junior Analyst
Thị trường trái phiếu chính phủ Nhật Bản đang biến động mạnh trước cuộc bầu cử Thượng viện sắp tới, với lợi suất dài hạn tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ. Nhà đầu tư lo ngại về khả năng thay đổi chính trị và các cam kết chi tiêu tài khóa mới nếu đảng đối lập giành thêm ảnh hưởng. Trong khi đó, Thủ tướng Ishiba đối mặt với mức tín nhiệm suy giảm, khiến mục tiêu duy trì đa số trở nên khó khăn. Diễn biến lãi suất phản ánh lo ngại về kỷ luật ngân sách trong bối cảnh nợ công Nhật Bản đang ở mức cao nhất thế giới.

Các nhà đầu tư vào trái phiếu chính phủ Nhật Bản (JGB) đang dõi theo sát sao cuộc bầu cử Thượng viện sắp diễn ra cuối tuần này, trong bối cảnh lo ngại rằng một sự thay đổi quyền lực có thể gây thêm áp lực lên nền tài chính vốn đã mong manh của đất nước. Lợi suất JGB dài hạn đã tăng mạnh, đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ khi ngày bỏ phiếu đang đến gần.
Tỷ lệ ủng hộ đang sụt giảm nhanh chóng của Thủ tướng Shigeru Ishiba đang khiến ngay cả mục tiêu giữ vững đa số của ông trở nên khó đạt được. Một cuộc khảo sát mới của đài truyền hình quốc gia NHK cho thấy Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền đang ở mức tín nhiệm thấp nhất kể từ khi quay lại nắm quyền vào năm 2012. Nếu LDP thất bại trong cuộc bỏ phiếu vào Chủ nhật, các kịch bản được đưa ra bao gồm từ việc tái cấu trúc liên minh cầm quyền cho đến khả năng từ chức của ông Ishiba. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát dự đoán kịch bản ít xáo trộn nhất là phe có quan điểm nới lỏng tài khóa sẽ gia tăng ảnh hưởng trong nội bộ quốc hội.
Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm đã vọt lên 1.595% vào thứ Ba, mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2008. Vào hôm thứ 2 lợi suất trai phiếu kỳ hạn 20 năm đã đạt 2.625% – cao nhất kể từ tháng 10 năm 2000 – trong khi trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm tăng thêm 13 điểm cơ bản lên 3.17%, gần chạm mức đỉnh lịch sử.
Ales Koutny, trưởng bộ phận lãi suất quốc tế tại Vanguard, cho biết quỹ của ông đã giảm tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu Nhật Bản xuống dưới mức trung bình do lo ngại về gia tăng chi tiêu tài khóa. “Nhật Bản đang đi vào con đường tương tự như Anh đã từng trải qua vài năm trước,” ông nói. “Khi kỷ luật tài khóa bị bỏ qua, thị trường trái phiếu sẽ phản ứng, và điều đó sẽ gây áp lực lên nền kinh tế.”
Hiện tại, Nhật Bản đang gánh khoản nợ công lớn nhất trong số các quốc gia phát triển, tương đương khoảng 250% GDP. Những lo ngại về các đề xuất cắt giảm thuế từ các đảng đối lập – vốn có thể khiến ngân sách thâm hụt lớn hơn – đã góp phần đẩy lợi suất JGB kỳ hạn siêu dài tăng vọt vào cuối tháng 5. Khi đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm đã chạm 3.185%, còn trái phiếu 40 năm vọt lên 3.675%.
Trước tình hình này, Bộ Tài chính Nhật Bản đã can thiệp để ổn định thị trường, thông báo kế hoạch cắt giảm lượng phát hành trái phiếu kỳ hạn dài nhằm giải quyết tình trạng mất cân đối cung cầu – sau khi nhu cầu truyền thống từ các công ty bảo hiểm nhân thọ sụt giảm mạnh trong năm nay.
Tuy nhiên, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) lại khiến nhà đầu tư thận trọng hơn nữa khi phát đi tín hiệu có thể tiếp tục nâng lãi suất, ngay cả trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy bất ổn.
Kentaro Hatono, giám đốc quỹ tại Asset Management One, cho biết ông đang giữ quan điểm “chờ đợi” do rủi ro từ việc đường cong lợi suất JGB có thể trở nên dốc hơn sau kết quả bầu cử. “Nếu thị trường tiếp tục thiếu cầu và nhà đầu tư không kỳ vọng thêm đợt tăng lãi suất nào trong năm tài chính này, biến động ở kỳ hạn dài sẽ gia tăng,” Hatono nói.
Một báo cáo từ Barclays cho thấy mức tăng lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm hiện tại tương đương với kỳ vọng thị trường về việc chính phủ sẽ cắt giảm thuế tiêu thụ 3 điểm phần trăm từ mức 10% hiện tại. Tuy nhiên, ngân sách bổ sung – nếu có – vẫn sẽ cần sự hợp tác từ các đảng đối lập, kể cả khi liên minh cầm quyền giữ được đa số.
Ba đảng đối lập lớn tại Nhật Bản đều ủng hộ các hình thức cắt giảm thuế tiêu dùng, trong đó có đảng dân túy theo khuynh hướng cánh hữu đề xuất loại bỏ hoàn toàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Chính sách này đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ công chúng: một cuộc khảo sát gần đây của báo Asahi cho thấy 68% người dân ủng hộ việc giảm thuế bán hàng để đối phó với chi phí sinh hoạt leo thang.
Về phần mình, Thủ tướng Ishiba – người có quan điểm tài khóa thắt chặt – đã bác bỏ đề xuất cắt giảm thuế để thay vào đó ưu tiên các khoản hỗ trợ tiền mặt.
Theo ông Toshinobu Chiba, giám đốc quỹ tại Simplex Asset Management, nếu các đảng đối lập giành được thắng lợi, điều đó có thể dẫn đến làn sóng bán tháo trái phiếu JGB kỳ hạn siêu dài từ các nhà đầu tư tổ chức như công ty bảo hiểm nhân thọ. “Nếu họ lên nắm quyền, thâm hụt ngân sách sẽ nới rộng đáng kể,” ông nói. “Đường cong lợi suất JGB sẽ dốc lên rất nhiều.”
Reuters