Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản chạm đỉnh: Động lực nào đang thúc đẩy xu hướng tăng?

Diệu Linh
Junior Editor
Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm đã tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2008, phản ánh kỳ vọng về chính sách tài khóa mở rộng sau bầu cử, khả năng cắt giảm thuế tiêu dùng và căng thẳng thương mại leo thang với Hoa Kỳ. Khi bất ổn chính trị gia tăng trước thềm cuộc bầu cử Thượng viện ngày 20/7, nhà đầu tư đang chuẩn bị cho khả năng phát hành nợ gia tăng và sự thay đổi trong định hướng tài khóa kéo dài nhiều thập kỷ của Nhật Bản.

Tổng quan
Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản tiến gần ngưỡng 1,60% vào thứ Tư, ngày 16/7, mức cao nhất kể từ cuối năm 2008, ghi nhận mức tăng hơn 45% từ đầu năm. Sự gia tăng này là một phần của sự dịch chuyển toàn diện trên lợi suất, với trái phiếu JGB kỳ hạn 30 năm chạm mốc kỷ lục 3,21%, còn lợi suất kỳ hạn 20 năm vươn lên 2.65%, cao nhất kể từ năm 1999.
Đợt điều chỉnh mạnh mẽ này diễn ra trong bối cảnh chính trị nhạy cảm, chỉ vài ngày trước cuộc bỏ phiếu Thượng viện. Thị trường đang phản ánh các kỳ vọng mới về chính sách tài khóa, cam kết cải cách thuế và các rủi ro thương mại địa chính trị ngày càng phức tạp, đồng thời điều chỉnh lại quan điểm về môi trường lãi suất của Nhật Bản.
Lợi suất tăng phản ánh kỳ vọng tài khóa trước bầu cử
Động lực chính thúc đẩy đà tăng gần đây của lợi suất JGB đến từ kỳ vọng của thị trường về các chính sách tài khóa nới lỏng. Ken Matsumoto, chiến lược gia vĩ mô Nhật Bản tại Crédit Agricole CIB, nhận định: “Lợi suất dài hạn và siêu dài hạn của Nhật Bản đang tăng do kỳ vọng vào khả năng mở rộng tài khóa sau bầu cử Thượng viện.”
Trong giai đoạn vận động tranh cử, nhiều chính đảng đã cam kết tăng chi tiêu công và thảo luận khả năng cắt giảm thuế. Đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDP), đảng đối lập lớn nhất, đã đưa việc giảm thuế tiêu dùng trở thành điểm nhấn trong chiến dịch tranh cử.
Điều khiến kỳ bầu cử lần này trở nên khác biệt là sự thay đổi trong bối cảnh chính trị. Việc liên minh cầm quyền LDP-Komeito đánh mất thế đa số tại Hạ viện từ năm 2024 khiến kết quả bầu cử Thượng viện có thể là nhân tố quyết định xem các biện pháp tài khóa, từng được cho là bất khả thi về mặt chính trị, có thể tiến gần hơn tới hiện thực hay không.
Tranh luận thuế tiêu dùng nổi bật trong lựa chọn chính sách
Thuế tiêu dùng của Nhật Bản hiện duy trì ở mức 10%, với mức ưu đãi 8% áp dụng cho các mặt hàng thực phẩm. Lần tăng thuế gần nhất vào năm 2019 nhằm củng cố ngân sách an sinh xã hội trong bối cảnh áp lực dân số già hóa ngày càng lớn.
Thủ tướng Shigeru Ishiba, lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do (LDP), phản đối việc cắt giảm thuế, nhấn mạnh vai trò sống còn của thuế tiêu dùng đối với việc duy trì các chương trình phúc lợi xã hội. “Chi phí phúc lợi sẽ tiếp tục tăng trong tương lai,” ông Ishiba cảnh báo trên sóng truyền hình, khẳng định rằng cắt giảm thuế sẽ đe dọa ổn định tài chính của quốc gia.
Ông Ishiba cũng lưu ý rằng bất kỳ điều chỉnh nào về thuế tiêu dùng đều cần tối thiểu một năm để triển khai, khiến đây không phải giải pháp hiệu quả trước các áp lực chi phí ngắn hạn. Thay vào đó, liên minh LDP-Komeito ưu tiên các biện pháp hỗ trợ trực tiếp, như khoản trợ cấp tiền mặt ¥20.000 (139 USD)/người để kích thích tiêu dùng tức thì. Dẫu vậy, thị trường trái phiếu vẫn tập trung vào hệ quả dài hạn của các chính sách mở rộng tài khóa đối với kỷ luật ngân sách và tính bền vững của nợ công.
Căng thẳng thương mại địa chính trị làm gia tăng áp lực lợi suất
Triển vọng tài chính trong nước càng trở nên mờ mịt bởi sự leo thang của bất ổn thương mại quốc tế. Ngày 7/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản và Hàn Quốc, có hiệu lực từ ngày 1/8. Ông cũng gợi ý khả năng nâng thuế lên tới 35%, đồng thời chỉ trích Nhật Bản nhập khẩu quá ít hàng hóa từ Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực ô tô và nông nghiệp.
Diễn biến này đang định hình lại thảo luận chính sách trong nội bộ Nhật Bản. Lãnh đạo Đảng Dân chủ Nhân dân (DPP) Yuichiro Tamaki lập luận rằng, nếu các mức thuế này được áp dụng, việc cắt giảm thuế tiêu dùng sẽ trở thành biện pháp cấp thiết nhằm giảm gánh nặng cho hộ gia đình và doanh nghiệp.
Dưới góc độ thị trường, rủi ro thương mại leo thang đồng nghĩa với khả năng gia tăng các gói hỗ trợ tài khóa, dẫn tới khối lượng phát hành nợ cao hơn—yếu tố tiếp tục tạo áp lực tăng đối với lợi suất trái phiếu dài hạn.
Núi nợ công vần làm triển vọng về dài hạn ảm đạm
Vượt lên các yếu tố ngắn hạn về chính trị và thương mại, những thách thức cấu trúc về tài khóa của Nhật Bản vẫn là vấn đề cốt lõi. Nhật Bản hiện có tỷ lệ nợ công trên GDP cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển, vào khoảng 250%. Nếu tính cả nợ khu vực tư nhân, tổng nợ của nền kinh tế vượt 600% GDP.
Bất chấp các lời kêu gọi siết chặt tài khóa kéo dài nhiều năm, động lực chính trị hiện nghiêng về hướng mở rộng chi tiêu. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings, cơ quan duy trì mức đánh giá ‘A’ với triển vọng ổn định cho Nhật Bản, đã cảnh báo rằng rủi ro tài khóa chính là điểm yếu lớn nhất trong hồ sơ tín dụng của nước này.
“Các đề xuất tăng chi tiêu mạnh tay và cắt giảm thuế tiêu dùng trước bầu cử có thể làm xói mòn kỷ luật tài khóa,” Fitch nhận định. Những biện pháp kích thích tài khóa không đi kèm nguồn tài trợ cụ thể, nếu không tạo ra mức tăng trưởng đủ mạnh, sẽ khiến thâm hụt ngân sách phình to và quỹ đạo nợ vốn đã nghiêng dốc càng trở nên bấp bênh, có nguy cơ làm tổn hại xếp hạng tín nhiệm trong tương lai.
Kết luận
Sự tăng vọt của lợi suất trái phiếu dài hạn Nhật Bản không đơn thuần phản ánh yếu tố kỹ thuật thị trường mà còn báo hiệu sự tái định giá tổng thể đối với triển vọng tài khóa, bối cảnh chính trị và các rủi ro đối ngoại.
Kết quả cuộc bầu cử Thượng viện ngày 20/7 được kỳ vọng sẽ có tác động then chốt đến định hướng chính sách tài khóa ngắn và trung hạn của Nhật Bản. Nhà đầu tư đang chuẩn bị cho khả năng Tokyo chuyển dịch sang lập trường tài khóa nới lỏng hơn, chấp nhận chi tiêu công lớn hơn và đối mặt với thách thức thương mại ngày càng phức tạp, tất cả đều ủng hộ xu hướng lợi suất duy trì ở mức cao hơn trong thời gian tới.
fxempire