Mỹ nhấn mạnh chất lượng thỏa thuận thương mại trước hạn 1/8, EU và châu Á thận trọng chờ động thái mới

Huyền Trần
Junior Analyst
Chính quyền Trump tuyên bố không vội ký kết các thỏa thuận thương mại nếu chưa đạt được lợi ích tối ưu, bất chấp thời hạn ngày 1/8 đang đến gần – thời điểm các đối tác có thể đối mặt với thuế quan cao hơn nếu không đạt được đồng thuận với Mỹ. Trong khi EU chuẩn bị các biện pháp trả đũa và Nhật Bản, Ấn Độ gặp khó trong đàm phán, Washington để ngỏ khả năng đối thoại với Bắc Kinh, mở ra một giai đoạn mới trong cuộc chơi địa chính trị thương mại toàn cầu.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent ngày thứ Hai khẳng định rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump chú trọng nhiều hơn đến chất lượng của các thỏa thuận thương mại hơn là việc hoàn tất đúng hạn. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia chỉ còn chưa đầy hai tuần để đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ trước hạn chót 1 tháng 8 – nếu không sẽ phải đối mặt với mức thuế cao hơn.
“Chúng tôi sẽ không vội chỉ để đạt được một thỏa thuận,” Bessent nói với CNBC. Khi được hỏi liệu hạn chót có thể được gia hạn đối với những quốc gia đang đàm phán hiệu quả với Washington hay không, ông trả lời rằng quyết định đó thuộc về Tổng thống Trump.
“Nếu quay lại với mức thuế vào ngày 1 tháng 8, tôi nghĩ điều đó sẽ tạo áp lực lớn hơn lên các nước để chốt các thỏa thuận có lợi hơn,” ông nói thêm.
Tuy nhiên, dù đã khởi xướng một chiến dịch thương mại đầy tham vọng nhằm tái định hình mối quan hệ kinh tế toàn cầu của Mỹ, chính quyền Trump đến nay vẫn chưa đạt được nhiều tiến triển như kỳ vọng. Đàm phán với Ấn Độ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và một số nước khác đang gặp nhiều khó khăn và chưa có kết quả rõ ràng.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết, Tổng thống Trump có thể thảo luận về thương mại trong cuộc gặp với phái đoàn Philippines tại Nhà Trắng vào ngày thứ Ba. Bà cũng lưu ý rằng chính quyền vẫn đang tích cực làm việc với nhiều quốc gia và có thể công bố thêm thỏa thuận hoặc thư thông báo về thuế quan trước ngày 1 tháng 8, dù chưa có chi tiết cụ thể.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu đang chuẩn bị một loạt biện pháp trả đũa tiềm năng, do triển vọng về một thỏa thuận thương mại với Mỹ ngày càng mờ nhạt. Một số thành viên EU, trong đó có Đức, đang xem xét sử dụng công cụ "chống ép buộc", cho phép khối hạn chế quyền tiếp cận thị trường của các công ty Mỹ nếu không đạt được thỏa thuận.
“Các cuộc đàm phán về thuế đang rất căng thẳng,” Thủ tướng Đức Friedrich Merz phát biểu tại một cuộc họp báo. “Phía Mỹ dường như không sẵn lòng chấp nhận một thỏa thuận thuế cân bằng.”
Đàm phán Mỹ - Trung sắp khởi động
Về phía Trung Quốc, Bessent cho biết các cuộc đàm phán thương mại sẽ sớm được khởi động trở lại. Ông nhấn mạnh rằng thương mại song phương đang ở vị trí thuận lợi để mở rộng sang các vấn đề khác – trong đó có nhập khẩu dầu từ các quốc gia bị trừng phạt như Iran và Nga, và vấn đề sản xuất dư thừa tại Trung Quốc.
Ông cũng cho rằng nếu Mỹ áp dụng thuế thứ cấp nhằm vào Nga, thì châu Âu nên cân nhắc làm điều tương tự để tăng hiệu quả.
Bessent – người vừa trở về sau chuyến công du Nhật Bản – cho biết chính quyền Mỹ ưu tiên kết quả thương mại hơn là tình hình chính trị nội bộ của Tokyo. Đàm phán viên thuế quan hàng đầu của Nhật, Ryosei Akazawa, đã lên đường tới Washington vào sáng thứ Hai, đánh dấu chuyến đi thứ tám của ông trong ba tháng gần đây. Động thái này diễn ra sau khi liên minh cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản phải hứng chịu thất bại lớn trong cuộc bầu cử thượng viện, một phần do dư luận bất mãn với chính sách thương mại của Mỹ.
Trong khi đó, đoàn đàm phán Ấn Độ đã trở về New Delhi sau gần một tuần làm việc tại Washington. Tuy nhiên, theo các nguồn tin từ chính phủ, hy vọng về việc đạt được một thỏa thuận thương mại tạm thời trước ngày 1 tháng 8 đang dần tan biến.
Reuter