Châu Á giữ nhịp ổn định, Phố Wall dõi theo “trận mở màn” lợi nhuận Big Tech và tín hiệu chính sách toàn cầu

Huyền Trần
Junior Analyst
Thị trường châu Á khởi đầu tuần trong vùng an toàn sau bầu cử Nhật không ngoài dự báo, đồng yen bật nhẹ giữa bất ổn chính trị. Phố Wall chuẩn bị bước vào tâm điểm mùa báo cáo lợi nhuận với các ông lớn công nghệ như Alphabet, Tesla. Nhà đầu tư toàn cầu tiếp tục theo dõi sát đàm phán thuế quan, triển vọng lãi suất từ Fed, ECB và các yếu tố chi phối hàng hóa, dầu mỏ.

Cổ phiếu châu Á và đồng yen giữ vững đà ổn định trong phiên giao dịch đầu tuần ngày thứ Hai, bất chấp kết quả bầu cử không thuận lợi cho chính phủ Nhật Bản. Nhà đầu tư có phần yên tâm khi kết quả không tệ hơn dự kiến, trong khi các hợp đồng tương lai Phố Wall ghi nhận mức tăng nhẹ, chuẩn bị đón loạt báo cáo lợi nhuận từ các công ty công nghệ hàng đầu.
Giới đầu tư hiện cũng đang theo dõi sát tiến triển của các cuộc đàm phán thương mại trước thời hạn áp thuế ngày 1 tháng 8 do Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt ra. Bộ trưởng Thương mại Mỹ bày tỏ lạc quan rằng một thỏa thuận với Liên minh châu Âu vẫn khả thi. Đồng thời, có tin đồn cho thấy Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể sắp thu xếp một cuộc gặp, dù sớm nhất cũng phải đến tháng 10.
Tại Nhật Bản, cuộc bầu cử hôm Chủ nhật đã khiến liên minh cầm quyền mất thêm ghế, làm suy yếu vị thế của Thủ tướng Shigeru Ishiba ngay khi thời hạn thuế quan đang cận kề. Dù vậy, ông Ishiba khẳng định sẽ tiếp tục tại vị, và thị trường dường như đã phản ứng nhẹ nhàng hơn nhờ kỳ nghỉ lễ. USD/JPY tăng 0.4%, lên mức 148.29.
Theo Rodrigo Catril, chiến lược gia ngoại hối cao cấp tại NAB, việc ông Ishiba có thể cần hợp tác với một phần đối lập để điều hành chính phủ có thể dẫn đến chính sách tài khóa mở rộng hơn – không có lợi cho lợi suất trái phiếu. Ông cũng cho rằng lịch sử cho thấy Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) thường giữ thái độ dè chừng trong các giai đoạn bất ổn chính trị, điều này có thể trì hoãn khả năng tăng lãi suất vốn đã rất mong manh.
Hiện tại, thị trường vẫn đánh giá khả năng BoJ điều chỉnh lãi suất vào cuối tháng 10 là rất thấp. Trong khi đó, chỉ số Nikkei đóng cửa nghỉ lễ, còn hợp đồng tương lai Nikkei tăng lên mức 39,875 – cao hơn nhẹ so với mức đóng cửa trước đó là 39,819 điểm. Chỉ số MSCI khu vực châu Á – Thái Bình Dương ngoài Nhật Bản gần như không đổi, trong khi cổ phiếu Hàn Quốc tăng 0.4%.
Khởi động mùa báo cáo lợi nhuận với các tên tuổi lớn
Hợp đồng tương lai S&P 500 và Nasdaq đều tăng nhẹ 0.1%, tiếp tục duy trì gần mức cao kỷ lục giữa kỳ vọng về mùa báo cáo lợi nhuận khả quan. Tuần này, một loạt các công ty lớn sẽ công bố kết quả kinh doanh, bao gồm Alphabet, Tesla và IBM.
Các nhà đầu tư cũng chú ý đến nhóm cổ phiếu quốc phòng với kỳ vọng lạc quan về doanh thu, bao gồm RTX, Lockheed Martin và General Dynamics. Ngành hàng không vũ trụ và quốc phòng thuộc S&P 500 đã tăng 30% từ đầu năm đến nay nhờ mức chi tiêu chính phủ gia tăng trên toàn cầu.
Trên thị trường trái phiếu, hợp đồng tương lai Kho bạc Mỹ giữ ổn định sau đợt giảm vào cuối tuần trước. Động thái này diễn ra sau khi một Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) lặp lại lời kêu gọi cắt giảm lãi suất trong tháng này. Tuy nhiên, phần lớn các quan chức khác – bao gồm Chủ tịch Jerome Powell – vẫn ủng hộ việc tạm dừng chính sách để đánh giá tác động thực tế của lạm phát từ các mức thuế mới.
Thị trường hiện gần như không kỳ vọng có thay đổi chính sách trong tháng 7. Xác suất cắt giảm lãi suất vào tháng 9 hiện được đặt ở mức 61%, tăng lên 80% cho tháng 10. Trước đó, thái độ do dự của ông Powell đã từng khiến Tổng thống Trump tức giận đến mức đe dọa sa thải Chủ tịch Fed – trước khi rút lại lời đe dọa. Rủi ro về một sự can thiệp chính trị sâu vào chính sách tiền tệ vẫn khiến nhà đầu tư cảnh giác.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ nhóm họp trong tuần này và dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 2.0% sau hàng loạt lần cắt giảm trước đó. Các nhà phân tích tại TD Securities nhận định buổi họp báo của ECB sẽ tiếp tục phản ánh sự thận trọng, trong khi chờ đợi kết quả các cuộc đàm phán thuế toàn cầu. ECB nhiều khả năng cũng sẽ duy trì quan điểm “họp theo từng kỳ” trong thông báo lần này.
Thị trường tiền tệ và hàng hóa giữ nhịp thận trọng
Trên thị trường tiền tệ, EUR/USD giao dịch ổn định ở mức 1.1630 sau khi giảm 0.5% trong tuần trước, rút lui khỏi đỉnh gần 4 năm ở mức 1.1830. Chỉ số đô la Mỹ giảm nhẹ xuống 98.40 điểm.
Giá vàng ít biến động quanh mốc 3,348 USD/ounce, trong khi kim loại quý đáng chú ý nhất thời gian gần đây là bạch kim – đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 8 năm 2014 vào tuần trước.
Thị trường dầu mỏ đang trong thế giằng co giữa triển vọng nguồn cung gia tăng từ OPEC+ và nguy cơ gián đoạn từ các lệnh trừng phạt của Liên minh Châu Âu nhằm vào Nga trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine. Dầu Brent tăng nhẹ 0.1% lên 69.36 USD/thùng, còn dầu thô WTI của Mỹ cũng tăng tương đương, lên mức 67.39 USD/thùng.
Reuters